Cầu Long Biên (bắc qua sông Hồng) gồm 2 bên đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Trong đó đường cho các loại xe chỉ rộng 2, 6m và luồng đi bộ là 0,4m.
Dù diện tích lưu thông chật hẹp nhưng nhiều người dân vẫn cố gắng tận dụng những khu vực mở rộng của đường cầu để “họp chợ”.
![]() |
Nhiều người dân tổ chức "họp chợ" ngay trên cầu Long Biên. Ảnh: Huyền Trang |
Chiều ngày 5/11, theo khảo sát của phóng viên Thế giới Tiếp thị Online, tình trạng mua bán trên cầu Long Biên diễn ra tấp nập. Người bán bày đủ các loại rau củ, mời gọi, chèo kéo các xe lưu thông qua cầu.
![]() |
Các mặt hàng rau củ, thịt cá được bày bán đủ loại. Ảnh: Huyền Trang |
Theo bà L. - một người bán rau ở khu vực này cho biết, ban đầu chỉ có một hai người bán. Về sau, những người dân khác cũng học theo và tập trung đông hơn. Ban đầu chỉ có rau củ, giờ có cả các loại hoa quả, thịt cá, không kém gì một chợ cóc dân sinh ở Hà Nội.
Khi được hỏi về việc cản trở hành lang giao thông và nguy hiểm cho phương tiện di chuyển, bà L. thản nhiên trả lời: “Chúng tôi chỉ ngồi ở những chỗ đường rộng thôi, các xe vẫn di chuyển được. Hơn nữa ở đây chỉ có xe máy, di chuyển cũng chậm nên không sợ tai nạn”.
![]() |
Người dân tận dụng các chỗ mở rộng của đường cầu để bày bán. Ảnh: Huyền Trang |
Chị Sương, một người thường xuyên mua hàng trên cầu cho biết: “Tôi hay mua ở đây vì giá rẻ và đồ tươi. Hầu hết là của người dân trồng được và bán luôn. Nếu như 1kg cải ngọt ở chợ bình thường có giá 25.000 đồng nhưng ở đây chỉ có 10.000 đồng thôi”.
![]() |
||||
Người mua không ngại đỗ xe ngay giữa lòng đường để mua hàng. Ảnh: Huyền Trang
|
Khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành năm 1902, cây cầu thép Long Biên bắc qua sông Hồng dài gần 2km là cây cầu lớn nhất Đông Dương lúc đó. Cầu Long Biên ngày hôm nay đã trải qua hơn 110 năm sử dụng, kết cấu thép đã xuống cấp trầm trọng, đường lưu thông chật hẹp. Vì thế việc họp chợ, mua bán trên cầu Long Biên rất nguy hiểm cho cả người bán, người mua và các phương tiện lưu thông.